Tại sao tiền lương có bao nhiêu cũng xài hết?

Bạn có bao giờ tự hỏi mình, tại sao lương bao nhiêu cũng xài hết? Để rồi lúc nào cũng luôn lo sợ trong sự thiếu thốn của tiền bạc và bất an của cuộc sống hàng ngày.

Có nhiều nhân viên văn phòng cuối tháng nhận lương đều đều, khi mới ra trường mình thấy lương 5-7 triệu vẫn xài được. Nhưng khi đến 10 triệu, rồi đến 20 triệu, rồi đến 30 triệu, thậm chí có người làm các vị trí cấp cao như quản lý, bác sĩ…lương đến 40 triệu…họ vẫn cảm thấy thiếu.

Thậm chí có tháng nhiều người bị thâm hụt tiền lương vào những chiếc thẻ tín dụng mà vô tình mình không biết. Và cứ thế gối đầu nhận lương xong lại nhanh nhanh chóng chóng trả nợ thẻ tín dụng, thậm chí khó khăn lên đỉnh điểm phải chi tiêu bằng cách quay vòng đáo vài thẻ thẻ tín dụng với mức phí mỗi tháng mất đi từ 1.5%- 1.8%.

Nhiều người làm công có thu nhập tốt, nhưng cuối tháng tiền lương vẫn không đủ dùng
Nhiều người làm công có thu nhập tốt, nhưng cuối tháng tiền lương vẫn không đủ dùng

Có nhiều người đi làm căng thẳng hàng ngày để mưu sinh, nhưng có khi bản thân thu nhập của mình còn hơn gấp rất nhiều lần so với bố mẹ mình ở quê. Cuộc sống của ông bà vẫn no đủ, nuôi các con ăn học đàng hoàng mà chẳng bao giờ có nợ nần. 

Thực tế ở các thành phố lớn, có rất nhiều người giống với trạng thái tài chính như vậy. Và mỗi người có một lý do khác nhau mà nó luôn hợp lý để biện minh cho vấn đề của mình. Khoản chi tiêu nào nghe có vẻ cũng cần, cũng thật hợp lý !!!

Cái cái tôi của mỗi người thật lớn quá mà, chẳng bao giờ muốn nhận sai về mình cả. Những gì mình đã làm thì mình sẽ luôn cho nó là đúng cho dù có ai phân tích cũng mặc kệ mà thôi. Và cũng chính vì vậy mà cũng sẽ chẳng bao giờ chúng ta chấp nhận đặt bút xuống ghi lại từng khoản mục chi tiêu để rồi đánh giá lại xem nó có giá trị gì với bản thân mình, gia đình mình và cho xã hội không ?

Nhiều người nghĩ tại sao mình phải chắt bóp và quản lý chi tiêu trong khi cuộc sống của mình vẫn đang diễn ra bình thường. Mỗi sáng thức dậy là một guồng quay công việc khiến cho chúng ta không còn thời gian nghĩ nổi là mình đang hướng tới mục tiêu gì và mình cần phải làm gì để thực hiện nó. Đơn giản lúc này là chúng ta cứ vơ tiền về túi mình nhanh nhất rồi làm gì thì tính sau ? 

Bạn có biết rằng cái bản ngã (cái tôi) là thứ đã cản trở kinh khủng nhất sự phát triển bản thân mình. Không chỉ về sự nghiệp, mối quan hệ trong gia đình mà đặc biệt là tài chính cá nhân của bản thân mình. Tiếng nói nhỏ trong mình đã nhiều lần lên tiếng nhưng thực sự mình không thừa nhận vấn đề mất cân bằng trong việc chi tiêu, cũng như tiêu một cách vô lối.

Luôn đặt câu hỏi trước khi tiêu một đồng tiền lương vào bất cứ việc nào
Luôn đặt câu hỏi trước khi tiêu một đồng tiền lương vào bất cứ việc nào

Chấp nhận sai và nghiêm túc làm lại là chìa khóa giúp mình bước đầu vượt qua được tư duy cổ súy cho việc chi tiêu không có kế hoạch, không có giá trị. Bạn có thể chủ động hoạch định lại các khoản chi tiêu không phù hợp bằng cách bỏ nó đi hoặc giảm bớt nó xuống để làm sao sát với mức chi tiêu tối thiểu – đủ sống. Với mỗi người mức chi tiêu tối thiểu này sẽ khác nhau vì nhu cầu của mỗi người cũng sẽ khác nhau nhưng mình tin rằng ai cũng sẽ tự giới hạn được.

Trước khi tiêu một đồng tiền lương vào bất cứ việc nào thì bạn hãy luôn đặt ra câu hỏi nó có giá trị với bản thân mình không? Ví dụ: Một buổi cafe bạn chi tiền ra thì bạn được những gì? Một bữa liên hoan bạn chi tiền ra bạn được những gì? Một buổi đi chơi bạn chi tiền ra sẽ đem lại cho bạn những gì?

Tự nhiên bạn sẽ thấy có nên làm nó hay không. Khi đặt ra những vấn đề này mình nhìn lại một chuỗi ngày tháng dài dài trước đây mình ngồi càfe chỉ để lướt face và chém gió, tốn tiền, tốn thời gian, tốn chất xám mà chẳng có lợi lộc gì cho mình. Từ đó bạn sẽ bỏ được những thứ không có giá trị với bản thân mình.

Dần dần quen, thì bạn đặt câu hỏi: Khoản chi tiêu này có đem lại khoản lãi gì cho mình không? Nó phải đem lại khoản lãi cho mình mới thực sự là khoản chi tiêu đúng và chi tiêu có giá trị. Bạn thử nghĩ xem khi mời một người thầy dạy bạn cafe bạn sẽ học được vô số thứ kinh nghiệm.

Khi mời một nhà đầu tư chuyên nghiệp ăn tối bạn sẽ học được vô cùng nhiều bí quyết trong một bữa ăn mà người ta phải đổ bao mồ hôi, xương máu, tiền bạc có được…Nếu bạn vẫn nghèo mà mua một con điện thoại xịn chỉ để nghe gọi, lướt face thì bạn lỗ chắc rồi nhưng nếu bạn dùng nó để tạo nên các video hay có ý nghĩa với mọi người thì nó chắc chắn đem lại lợi nhuận cho bạn đấy…

Tạo ra các rào cản chi tiêu cho các khoản chi tiêu cũng là một cách để bạn giữ được tiền trong một hạn mức tiêu nhất định. Bạn có đang thấy ví mình đang đầy tiền mặt, tài khoản thanh toán mình đang dư cả mớ tiền, thẻ tín dụng, thẻ ATM đầy ví, ứng dụng thanh toán tràn ngập trên điện thoại thao tác mua bán nhanh chóng dễ dàng. Nó giúp bạn chi tiêu nhanh hơn phải không? Vì thế bạn có thể quản lý chặt chẽ hơn các công cụ thanh toán tiện lợi này để tạo ra các hàng rào để hạn chế chi tiêu?

Hãy có kế hoạch quản lý tiền lương và chi tiêu hiệu quả
Hãy có kế hoạch quản lý tiền lương và chi tiêu hiệu quả
  • Tiền lương về tài khoản ngân hàng thì phân bổ vào các chi tiêu cần thiết tối thiểu, và vào các tài sản sinh lời trước. 
  • Xác định chi phí phát sinh chỉ trong 1 hạn mức phù hợp để quản lý
  • Không để nhiều tiền mặt ở ví, nếu ví càng không có tiền càng tốt.
  • Những món đồ trước khi mua mình dành tối thiểu 1-2 ngày để suy nghĩ, thậm chí có món trên 1 triệu mình thường suy nghĩ cả tuần về lợi ích của nó cho mình. Lúc đầu sẽ khó chịu nhưng rồi bạn sẽ quen và mỗi khi bạn định tiêu thì bạn nhìn lại ví mình và tự hỏi mình khoản tiêu này có cần thiết không, có giá trị không? Nếu có thì bạn vẫn có cách để tiêu nhưng cách này nó hãm bạn lại một chút để suy nghĩ. 
  • Tận dụng năng lực và thời gian để tạo thêm nguồn thu nhập thứ 2, thứ 3, hoặc đầu tư để có dòng tiền thụ động

Ban đầu có rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện, bao nhiêu nỗi cô đơn tràn ngập, bao nhiêu mẫu thuẫn trong gia đình xảy ra nhưng rồi mọi thứ tốt đẹp sẽ đến khi bạn biết quản lý tài chính 1 cách hiệu quả. 

Chúc cho bạn sẽ vững tin chèo lái con thuyền tài chính cá nhân và gia đình mình luôn bền vững để đem đến cuộc sống hạnh phúc cho mình. Giàu có chưa chắc đã hạnh phúc nhưng tài chính cá nhân bền vững và luôn biết đủ với những gì mình đang có thì chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc.

icons8-exercise-96 chat-active-icon